Cách bạn bỏ việc có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong công việc, đặc biệt là với người quản lý trực tiếp. Bài viết này thảo luận cách nghỉ việc đúng đắn mà không phá vỡ những mối quan hệ tốt của mình.
Hậu quả khi bạn nghỉ việc không đúng cách?
Nghỉ việc đột ngột, bất ngờ hoặc theo một cách thô lỗ sẽ không bao giờ là lựa chọn tốt nhất. Rời công việc của bạn như thế này sẽ để lại nhiều hậu quả. Nó có thể làm bạn mất danh tiếng, sự nghiệp hoặc các mối quan hệ. Điều này cũng sẽ gây bất lợi cho bạn khi nhà tuyển dụng tương lai liên hệ công ty cũ để tìm hiểu và điều tra về bạn.
Là một nhân viên, việc bạn thể hiện sự tôn trọng là rất quan trọng. Nếu chủ của bạn dành thời gian để phỏng vấn, đào tạo bạn những kỹ năng mới, giới thiệu bạn đến mạng lưới quan hệ có giá trị của họ và / hoặc cung cấp cho bạn các công cụ để làm việc, thì bạn nên trân trọng điều đó bằng việc thể hiện sự tôn trọng với họ khi bạn nghỉ việc.
Làm thế nào để nghỉ việc đúng cách
1) Đừng nhận việc không phù hợp với mình
Nếu văn phòng quá xa hoặc mức lương thấp hơn kỳ vọng của bạn, hoặc bạn cảm thấy mình không phù hợp với văn hoá của công ty, có lẽ tốt nhất là không nên đảm nhiệm vai trò này ngay từ đầu.
Để giúp bạn đưa ra các lựa chọn đúng đắn, bạn nên đảm bảo rằng bạn nghiên cứu công ty và công việc một cách cẩn thận. Hỏi càng nhiều câu hỏi cần thiết càng tốt trong và sau cuộc phỏng vấn. Dành nhiều thời gian và công sức cần thiết để thật sự hiểu về vai trò mà bạn sẽ đảm nhận và xem nó có phù hợp với mình hay không.
Bạn cũng cần đồng thời rõ ràng với đời sống riêng tư của mình. Bạn không cần phải nói với sếp tất cả mọi thứ về cuộc sống cá nhân của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy rằng hoàn cảnh của bạn sẽ ảnh hưởng đến công việc, điều này nhất định phải được trao đổi. Ví dụ, nếu bạn có kế hoạch đi du lịch nhưng bạn sẽ cần phải bắt đầu công việc ngay trước đó.
2) Hiểu được những kết quả từ quyết định của bạn
Trước khi bạn bỏ việc, bạn nên xem lại hợp đồng lao động của mình và đảm bảo rằng bạn hiểu tất cả các điều khoản và điều kiện áp dụng khi bạn tuyên bố nghỉ việc. Hãy xem kỹ các hạng mục như thời gian thông báo và điều kiện thanh toán tiền lương, tiền thưởng và các lợi ích khác của bạn.
3) Thảo luận quyết định với sếp của bạn
Đôi khi bạn có thể không biết chính xác mình phải làm gì cụ thể khi thông báo quyết định nghỉ việc của mình với sếp. Nhưng nếu bạn luôn bắt đầu với sự thiện chí, mong muốn điều tốt nhất cho công ty và thảo luận cởi mở với sếp, mọi việc sẽ đâu vào đấy.
Bạn cần phải trao đổi trực tiếp quyết định của mình với sếp. Dĩ nhiên, thường thì họ sẽ không vui khi nghe tin này. Tuy nhiên, tốt hơn là họ nghe điều từ bạn đầu tiên, chứ không phải là từ những đồng nghiệp của bạn.
Bạn cần thảo luận cách bạn sẽ xử lý thời gian thông báo nghỉ và bàn giao công việc mới cho nhân viên mới như thế nào. Chủ động thảo luận những vấn đề này phần nào sẽ trấn an sếp của bạn.
Thường thì bạn sẽ cần một thông báo chính thức về việc nghỉ việc của mình (ví dụ như một bức thư từ chức). Bạn nên chuẩn bị sẵn để thông báo chính thức sau khi thảo luận với sếp.
Gửi ý kiến đóng góp cho sếp trong hoàn cảnh này khá nhạy cảm. Một số chủ đề có thể dường như không thể thảo luận được (đặc biệt khi vấn đề liên quan đến bản thân sếp của bạn). Tuy nhiên, phản hồi có tính xây dựng thường được đánh giá cao. Hãy suy nghĩ, cố gắng chắt lọc những ý kiến có hữu ích trước khi bắt đầu thảo luận.
4) Hoàn thành công việc như đã hứa
Sau khi bạn đã thông báo quyết định nghỉ việc, vẫn còn một số việc cần được hoàn thành. Bạn nên:
- Hỗ trợ tìm kiếm người thay thế nếu bạn có thể.
- Hoàn thành việc bàn giao công việc như bạn đã cam kết.
- Trả lại bất kỳ tài sản được giao từ công ty.
- Để lại lời cảm ơn và xin một thư giới thiệu.
- Cuối cùng, đừng nói xấu về công ty sau khi nghỉ việc.
Nếu bạn làm theo các bước này, bạn sẽ để lại ấn tượng tích cực và điều này sẽ có lợi cho kết quả tham chiếu thông tin lịch sử làm việc của bạn sau này, điều có thể quyết định sự nghiệp của bạn.