Trong công việc, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tránh được những sai sót. Hơn thế nữa, vấp ngã còn là một điều tất yếu để chạm đến thành công. Thế nhưng, không phải ai cũng dám thẳng thắn nhận lỗi sai thuộc về mình để tự giác sửa chữa, khắc phục mà thường đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho cách hoạt động của công ty,…
I/ Vì sao họ chọn đổ lỗi?
Thói quen đổ lỗi ngày càng trở nên phổ biến, nó gần như đã trở thành một thói quen ứng xử trong xã hội ngày nay. Và đôi khi chúng ta cũng không nhận ra mình đã và đang trở thành một phần của “văn hoá đổ lỗi”. Sau đây là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này:
- Do sự hèn nhát, không dám đối mặt với lỗi lầm mình gây ra. Nhiều người chỉ vì quá sợ hãi việc phải nhận những hậu quả khi xảy ra sai lầm nên họ chọn trốn tránh, thoái thác trách nhiệm. Điều này tạo cảm giác an toàn khi trách nhiệm được san sẻ hoặc chuyển qua cho một người khác hoặc một lý do khác mà không phải họ.
- Do sự ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Có những người chỉ muốn nhận lợi ích về cho mình và đùn đẩy phần khó khăn lại cho người khác. Khi sai lầm xảy ra, họ chỉ ra sức bảo vệ bản thân, đổ lỗi để bảo vệ chính mình khỏi những cảm xúc tiêu cực mà bỏ mặc người khác dù hậu quả có thế nào đi chăng nữa.
- Mong đợi quá nhiều về sự công bằng trong cuộc sống. Và khi sự việc không diễn ra như dự tính, họ tin rằng phải có ai đó chịu trách nhiệm cho sự bất công trong cuộc đời mình. Sống trong niềm tin đó khiến họ mặc định những thất bại của mình là do những lý do khách quan thay vì tự xem xét và thay đổi bản thân.
II/ Làm gì để bài trừ thói quen này?
Mỗi người ai cũng có cái tôi cá nhân. Tuy vậy, không nên để cái tôi đó trở thành rào chắn, vật cản quá lớn đến mức không thể vượt qua chính mình. Và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và chấm dứt thói quen này với những cách sau:
- Tự ý thức và dũng cảm chịu trách nhiệm với những sai lầm của mình. Nếu còn biện minh cho lỗi sai của mình thì chính người đó đánh mất cơ hội để phát triển bản thân. Tự nhận lỗi và sửa chữa sẽ giúp mỗi người nhìn nhận lại toàn bộ sự việc để biết mình nên làm gì để trở nên tốt hơn. Mặt khác, điều này cũng khiến người khác thấy được bạn là một người có trách nhiệm và tạo dựng sự uy tín trong mắt mọi người.
- Đưa ra giải pháp thay vì đổ lỗi. Khi thất bại xảy ra, đừng phản xạ bằng cách đổ lỗi mà thay vào đó hãy tập trung tìm kiếm những giải pháp nhanh nhất có thể để khắc phục vấn đề. Việc đổ lỗi không giúp mang lại một kết quả tốt đẹp hơn mà thậm chí còn gây ra những tranh cãi không đáng có.
- Cùng tạo điều kiện và xây dựng “văn hóa nhận lỗi”. Chúng ta không hoàn hảo nên sẽ có những lúc mắc sai lầm và người khác cũng thế. Do vậy, khi người khác mắc lỗi hãy khoan dung và tạo điều kiện cho họ sửa sai thay vì chỉ trích gay gắt để giải tỏa cảm xúc của mình. Điều này sẽ giúp chúng ta tạo nên một môi trường mà mọi người có thể dũng cảm, sẵn sàng nhận lỗi và học hỏi từ những sai lầm của nhau.
Để hoàn toàn xóa bỏ văn hoá đổ lỗi không phải là điều dễ dàng. Nhưng việc có trở thành một phần của văn hóa này hay không là sự lựa chọn của chính bản thân mỗi người.
Xem thêm: Cách viết CV dành cho IT Fresher
Xem thêm: Kỹ năng tìm việc thời 4.0
Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp Phần 1
Đừng quên, Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!