Có vô vàn lý do khiến bạn muốn rời bỏ công việc hiện tại, đó có thể là lý do chủ quan, riêng tư của bạn hoặc do môi trường làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xin nghỉ việc một cách khéo léo, tế nhị và thuyết phục. 5 cách sau đây sẽ giúp bạn xin nghỉ việc mà vẫn thể hiện được sự chuyên nghiệp và không gây mất lòng sếp.
1/ Lý do xin nghỉ việc chính đáng, thuyết phục
Hãy chuẩn bị cho mình một lý do chính đáng, thuyết phục và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến công việc của công ty.. Một lý do xin nghỉ việc hợp lý vừa giúp bạn đạt được mục đích của mình vừa là câu trả lời thỏa đáng khi đi xin việc tại công ty mới. Sau đây là một số lý do khách quan và chủ quan bạn có thể tham khảo:
- Do hoàn cảnh gia đình
- Không có cơ hội thăng tiến, phát triển
- Có kế hoạch, định hướng khác (kế hoạch gia đình, tiếp tục đi học,…)
- Nghỉ việc để giải quyết vấn đề riêng của cá nhân
- Gặp một số trở ngại bất khả kháng (di cư, sức khỏe,…)
- Xin nghỉ việc vì có cơ hội làm việc tốt hơn
2/ Lựa chọn thời điểm phù hợp để xin nghỉ việc
Thời điểm xin nghỉ việc cũng là yếu tố quan trọng mà bạn cần phải cân nhắc đầu tiên. Nếu bạn xin thôi việc vào đúng thời kì công ty đang khó khăn hay gặp trục trặc trong việc kinh doanh thì sẽ khá nhạy cảm và có thể gây hiểu lầm rằng bạn đang tranh thủ “cao chạy xa bay”, mặc dù nguyên nhân thực sự không phải thế. Vì vậy, nên cân nhắc thật kỹ thời điểm ra đi để không tạo ấn tượng xấu.
3/ Thông báo trước cho cấp trên, đồng nghiệp và bộ phận nhân sự
Lưu ý rằng, người đầu tiên biết tin bạn nghỉ việc phải là người quản lý bạn, người sếp của bạn. Điều này thể hiện bạn là người làm việc có trước có sau và bạn tôn trọng người quản lý của mình. Hãy là người nói chuyện với sếp trực tiếp về quyết định xin nghỉ việc của bạn, chứ đừng để cấp trên biết từ những lời bàn tán của đồng nghiệp. Việc thông báo chính thức và gửi đơn xin thôi việc với người quản lý của mình trước khi gửi đến bộ phận hành chính nhân sự sẽ giúp họ cảm thấy được tôn trọng và có thể họ sẽ hỗ trợ bạn hoàn thiện thủ tục xin nghỉ việc một cách tốt nhất.
4/ Soạn một lá thư lịch sự, chân thành
Gửi một lá thư lịch sự, chuyên nghiệp sau cuộc gặp mặt với cấp trên để xác nhận quyết định rời đi của bạn. Nếu có thể, hãy trình bày những điều bạn đã học được khi làm việc ở công ty. Lời cảm ơn là điều không thể thiếu, bạn cần phải đưa ra lời cảm ơn những người đồng nghiệp của mình, người sếp của bạn trong thời gian bạn làm việc đã giúp đỡ bạn. Lời cảm ơn là một phần quan trọng trong lá đơn của bạn, chính vì vậy mà bạn không nên bỏ qua lời cảm ơn. Kết thúc lá thư từ chức bằng một lời chúc tốt đẹp nhất dành cho công ty. Cuối cùng, bạn phải chắc chắn rằng là thư của bạn không bị sai lỗi chính tả. Hãy kiểm tra thật kỹ những lỗi này để vấn đề xin nghỉ việc của bạn được diễn ra một cách thuận lợi.
5/ Để lại ấn tượng tốt trước khi rời đi
Sẵn sàng đào tạo người kế nhiệm, chuyển giao công việc cho các đồng nghiệp có liên quan hoặc viết một tài liệu bàn giao chi tiết là cách tạo ấn tượng tốt trước khi bạn nghỉ việc. Ngày cuối cùng nghỉ việc rời công ty, đừng quên gửi lời cảm ơn, lời chúc tới đồng nghiệp đã đồng hành, gắn bó với mình trong suốt thời gian qua. Điều này không chỉ giúp bạn giữ được mối quan hệ lâu dài mà còn để lại cho bạn những giây phút đáng nhớ khi có ý định tìm việc làm mới. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy duy trì mối quan hệ tốt với người quản lý của bạn, vì nhà tuyển dụng sẽ thường tiến hành kiểm tra lý lịch bao gồm cả người tham vấn.
Khi xin nghỉ việc, đừng để sếp đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp. Rất có thể sếp hay quản lý cũ của bạn sẽ là người tham vấn mà công ty mới liên hệ khi bạn chuyển việc. Vì vậy, hãy luôn giữ thái độ lịch sự, chuyên nghiệp để không gây mất lòng cấp trên cũ nhé.
Xem thêm: Mô hình Kanban – Tối ưu hóa quy trình quản lý công việc
Xem thêm: Mono-tasking: Phương pháp làm việc đối lập với Multi-tasking
Xem thêm: Hustle Culture – Văn hóa hối hả khó lường của giới trẻ
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!