Đã bao giờ bạn phân vân, mắc kẹt giữa nhiều sự lựa chọn, phải dùng đến trò chơi may rủi để đưa ra quyết định cuối cùng? Hay bạn thuộc tuýp người luôn cân nhắc tới tất cả rủi ro có thể xảy ra để rồi vuột mất cơ hội? Nhằm giúp chúng ta có thể đánh giá vấn đề một cách toàn diện và đưa ra quyết định đúng đắn nhất thì TS. Edward de Bono đã nghiên cứu ra một phương pháp được gọi là “6 chiếc mũ tư duy”.
I/ Tại sao gọi là “6 chiếc mũ tư duy”?
“6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp giúp đánh giá vấn đề thông qua việc sử dụng 6 nguyên tắc để đưa ra phương án giải quyết dựa trên nhiều góc nhìn, phân tích nhiều khía cạnh. Từ đó hiểu rõ hơn mọi ngọn nguồn của sự việc, nhận biết trước những rủi ro và nắm bắt cơ hội mà bình thường có thể không chú ý đến. Ngoài ra, “6 chiếc mũ tư duy” có thể áp dụng riêng cho một cá nhân hoặc cho cả một nhóm thảo luận vì phương pháp này sẽ tránh được kha khá những xung đột có thể xảy ra khi nhiều người tranh luận về một vấn đề nào đó.
6 chiếc mũ với sáu màu sắc (trắng, đỏ, vàng, đen, xanh lá cây và xanh da trời) thể hiện cho 6 nguyên tắc khác nhau trong tư duy:
- Mũ trắng (Facts): Đại diện cho dữ liệu rõ ràng, số liệu chính xác, thông tin mang tính khách quan. Khi “đội” chiếc mũ này, bạn tập trung phân tích sự việc dựa trên các dữ liệu, thông tin liên quan. Từ đó giúp chúng ta có thể đánh giá khách quan, trung lập.
- Mũ đỏ (Feelings): Nói về tư duy trực giác, những ý kiến không cần phải chứng minh hay giải thích, đơn thuần chỉ là linh cảm. Chiếc mũ đỏ cho chúng ta cơ hội để bộc lộ cảm xúc đối với sự việc cũng như phán đoán được phản ứng của người khác với quyết định của mình.
- Mũ đen (Negative): Màu đen liên tưởng đến những thứ tiêu cực liên quan đến vấn đề như những khuyết điểm, sai lầm hay sự bất hợp lý, sự thất bại, sự phản đối,…trong quá trình suy nghĩ của chúng ta. Chiếc mũ này chỉ ra những điều mà ta nên cảnh giác và thận trọng khi giải quyết vấn đề.
- Mũ vàng (Positive): Ngược lại với mũ đen, mũ vàng giúp chúng ta nhìn thấy được những lợi ích của vấn đề, những cơ hội mà quyết định đó sẽ mang lại từ đó có thêm động lực, cảm hứng để tiếp tục phát triển những phương án tốt nhất.
- Mũ xanh lá cây (Creativity): Đại diện cho sự nảy mầm, phát triển hay còn được xem là sự sáng tạo. Thay vì phê phán, lối tư duy sáng tạo, tự do khi đang “đội” chiếc mũ xanh lá cây giúp bạn tìm ra giải pháp theo cách sáng tạo hơn, thậm chí đôi khi còn mang tính đột phá.
- Mũ xanh dương (Process): Chiếc mũ cuối cùng mang trọng trách kiểm soát toàn bộ tiến trình tư duy và tổng quát lại vấn đề. Để việc phân tích và vấn đề được xử lý thành công nhất thì việc phối hợp nhuần nhuyễn và mạch lạc giữa các chiếc mũ là mấu chốt quan trọng nhất.
II/ Các bước ứng dụng “6 chiếc mũ tư duy” vào thực tế
Nguyên tắc: Lần lượt “đội” 6 chiếc mũ để nhìn nhận vấn đề. Mỗi lần chuyển mũ thì bạn lại thay đổi sang một cách tư duy khác theo màu mũ. Ngoài ra, để cuộc thảo luận nhóm có hiệu quả nhất thì hãy luôn đảm bảo mọi người đều được trải nghiệm đủ 6 lối tư duy.
Trình tự áp dụng “6 chiếc mũ” được sắp xếp như sau:
Bước 1 (Mũ trắng – Facts): Ở thời điểm này, chỉ đưa ra các ý kiến chứa sự thật, bằng chứng, dữ kiện, thông tin có tính xác thực, rõ ràng về vấn đề. “Hãy cởi bỏ mọi thành kiến, mọi tranh cãi, cởi bỏ mọi dự định và hãy nhìn vào cơ sở dữ liệu”.
Bước 2 (Mũ xanh lá cây – Creativity): Tiếp theo, cùng nhau sáng tạo để tìm ra các ý kiến, phương pháp để giải quyết vấn đề theo nhiều.cách thức khác nhau, từ các kế hoạch đến sự thay đổi.
Bước 3: Đánh giá lại các ý kiến đã được đề xuất
- Dùng mũ vàng (Positive) để liệt kê ra các lợi ích, cơ hội có thể đạt được của từng phương án
- Dùng mũ đen (Negative) để xem xét và lưu ý tới những điểm không thích hợp (hay không hoạt động được) của các ý kiến mà thay đổi sao cho hợp lý.
Bước 4 (Mũ đỏ – Feelings): Chia sẻ hoặc viết ra những cảm xúc, trực giác tự nhiên của bạn về vấn đề. Giai đoạn cho phép mọi người đề xuất những ý kiến theo trực giác mà không cần kèm theo bất cứ thông tin hay dữ liệu nào để chứng minh hay bào chữa.
Bước 5 (Mũ xanh dương – Process): Nhìn lại toàn bộ quá trình, sắp xếp và xem xét các thông tin để đưa ra quyết định cuối cùng.
Lưu ý: Không hoàn toàn bắt buộc phải theo đúng thứ tự như trên mà bạn luôn có thể linh hoạt chuyển đổi vị trí các mũ để phù hợp với từng trường hợp.
“6 chiếc mũ tư duy” là một công cụ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thông qua việc kết hợp sự nhanh nhạy, kinh nghiệm và kiến thức của mỗi người. Từ đó giúp chúng ta có thể lựa chọn phương án nào là đúng đắn nhất theo cả lý trí và cảm xúc.
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!
Xem thêm: 4 Kỹ năng Networking hiệu quả
Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp Phần 1
Xem thêm: Comfort Zone – Khi nào bạn cần nhảy khỏi vùng an toàn