Dù cho phần lớn các công ty đều có lịch xét tăng lương 6 tháng – 1 năm/ lần, nhưng một cuộc khảo sát cho thấy 28% những người chưa bao giờ thương lượng về lương cho biết: họ không cảm thấy thoải mái khi yêu cầu tăng lương, họ không muốn bị đánh giá là người tự mãn. Tuy nhiên việc yêu cầu nhận được những gì xứng đáng với năng lực của bạn không phải tự mãn. Vì vậy, nếu bạn muốn cân nhắc việc đề nghị tăng lương thì hãy chú ý 5 điều sau.
1.Nhân viên và doanh nghiệp là mối quan hệ Win-Win
Nhiều nhân viên luôn có quan niệm mình là “chiếu dưới” so với công ty, tuy nhiên trong hợp đồng lao động quy định “bên A” và “bên B” có chung một mục tiêu là làm thế nào để cả hai bên đều thống nhất và hài lòng với con số cuối cùng. Công ty thường sẽ muốn đưa ra mức lương phù hợp với ngân sách nhưng họ cũng cần cung cấp cho nhân viên cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân. Nghiên cứu cho thấy khi nhân viên được trả lương xứng đáng, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, cống hiến hơn. Ngoài ra, chi phí để doanh nghiệp tìm kiếm nhân viên mới khá tốn kém, họ có thể phải chi 30% tiền lương của một nhân viên sắp nghỉ để tuyển dụng người thay thế.
2.Khảo sát mức lương của vị trí đang đảm nhiệm
Mức lương ở các công ty có thể khác nhau, nhưng bạn vẫn cần biết mức lương phổ biến của vị trí mình đang đảm nhiệm trên thị trường lao động đang ở mức bao nhiêu sau đó so sánh với mức lương hiện tại và mức lương bạn mong muốn. Nếu bạn “deal” lương cao hơn so với năng lực, chắc chắn sẽ không được thông qua mà còn để lại cái nhìn không tốt với người quản lý. Ngược lại, nếu đề xuất mức lương quá thấp lại làm mất đi giá trị của bạn. Vậy nên hãy nghiên cứu, cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra mức lương mong muốn, bởi mức lương hợp lý sẽ giúp bạn dễ được thông qua hơn.
3.Xây dựng các mối quan hệ tốt trong công ty
Có một mạng lưới quan hệ tốt trong công ty sẽ gia tăng cơ hội thành công khi bạn đề nghị tăng lương. Dựa vào các mối quan hệ trong công ty, bạn sẽ biết các dịp dự kiến tăng lương của công ty, thậm chí họ sẽ đưa ra những lời nhận xét tốt về bạn khi sếp cần tham khảo. Đôi khi những lời nhận xét từ các bộ phận khác góp phần làm tăng khả năng được tăng lương của bạn rất nhiều.
4.Đưa ra đánh giá chính xác hiệu quả công việc của bản thân
Trước khi gặp sếp để đề nghị tăng lương, bạn nên thu thập những tài liệu đánh giá chính xác hiệu quả công việc của bạn trong thời gian qua để chứng minh bản thân xứng đáng với mức lương đề xuất. Hãy liệt kê càng cụ thể càng tốt ví dụ như KPI, review của khách hàng,…và trình bày nó một cách có khoa học, có tổ chức. Đây là cách tốt nhất và được xem xét đến nhiều nhất, bởi chỉ khi cấp trên nhìn thấy được giá trị bạn mang lại hoàn toàn xứng đáng với mức lương bạn yêu cầu. Và bạn cần phải trung thực với năng lực của mình vì nếu sếp đọc vào những thành tích mà bạn đề cập và nhận ra bạn đang nói không đúng thực tế, họ có thể đánh giá bạn thiếu trung thực và ảnh hưởng đến uy tín của bạn.
5.Lựa chọn thời điểm phù hợp nhất
Thời điểm đề xuất tăng lương là yếu tố cần cân nhắc đầu tiên khi bạn gửi đơn, bởi tâm trạng chi phối rất nhiều đến quyết định con người. Chẳng hạn như giữa lúc công ty đang gặp khó khăn về tài chính mà bạn đề xuất tăng lương, yêu cầu của bạn ít khi làm mất lòng nhà tuyển dụng. Tuy nhiên. cũng có những thời điểm mà bạn sẽ dễ dàng nhận được một cái gật đầu hơn, ví dụ những lúc công ty kinh doanh có lời hay bạn vừa có thành tích nổi bật, những lúc ai này cũng vui vẻ đọc đơn đề xuất tăng lương của bạn. Khi chọn được thời điểm phù hợp nhất thì đừng ngại ngùng mà bỏ qua cơ hội mà tìm ra cách đề xuất khéo léo để có mức lương mong muốn.
Bạn xứng đáng được trả công một cách công bằng với khả năng chuyên môn và thành tích bạn đã đạt được. Và bạn hoàn toàn có thể được tăng lương nếu như bạn biết rõ giá trị của mình và có sự chuẩn bị hợp lý.
Xem thêm: Học cách từ chối – Kỹ năng xử lý vấn đề nơi công sở
Xem thêm: Self-leadership: Trở thành nhà lãnh đạo của chính cuộc đời mình
Xem thêm: 5 kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!