Năng suất làm việc cao là lợi thế cạnh tranh cốt lõi để có thể tập trung chú ý vào những điều thực sự quan trọng, những điều có ý nghĩa và đóng góp giá trị mà không bị sao nhãng bởi những nhiệm vụ ít quan trọng hơn. Ngày nay, chúng ta lại rất dễ dàng bị mất tập trung bởi nhiều yếu tố xung quanh. Nhưng đó không phải là điều bất khả thi nếu bạn áp dụng tốt 5 cách sau để tăng năng suất làm việc hiệu quả nhất.
1/ Lên danh sách việc cần làm mỗi ngày
Lên danh sách việc cần làm một cách khoa học sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi tất cả công việc của mình. Mỗi cuối ngày, hãy dành vài phút để liệt kê các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện vào ngày mai. Sắp xếp các mục tiêu này theo thứ tự ưu tiên với những việc quan trọng hoặc cấp bách nhất trước tiên. Bạn có thể bổ sung thêm chi tiết về khoảng thời gian dành cho mỗi việc, thời hạn, người đồng nghiệp sẽ hợp tác hoặc bất cứ điều gì cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng nên chia các đầu việc lớn thành các mục tiêu nhỏ và cụ thể để giúp bạn hoàn thành từng mục tiêu nhanh chóng và có cảm giác làm việc hiệu quả hơn.
2/ Trang trí không gian làm việc
Niềm vui và sự hứng thú có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và cảm thấy có động lực hơn khi bắt đầu ngày làm việc. Do đó, hãy trang trí khu vực làm việc của mình bằng những đồ vật, màu sắc, phong cách yêu thích. Đó có thể là hình ảnh gia đình, một vài loại cây cảnh, câu châm ngôn hoặc bức tranh có thể tạo cảm hứng cho bạn. Tuy nhiên, đừng quá tham lam mà bày quá nhiều đồ trang trí bắt mắt dễ khiến bạn mất tập trung vào công việc. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng cách trang trí của bạn phù hợp với quy định công ty hoặc không gian xung quanh.
3/ Dành ra 5-10 phút nghỉ ngơi khi cảm thấy quá mệt
Làm việc liên tục nhiều giờ liền sẽ khiến bạn mệt mỏi và tác động tiêu cực đến tư duy. Trong khi đó, chỉ cần khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn có thể giúp bạn thư giãn, nạp lại năng lượng cho bản thân và hạn chế những sai lầm có thể gây ra do tình trạng mệt mỏi. Bạn nên dành khoảng 5 hoặc 10 phút để nghỉ ngơi bằng việc trò chuyện với đồng nghiệp, pha một tách cà phê hoặc thực hiện một số bài tập thể dục đơn giản sau đó lại tiếp tục quay lại công việc với tinh thần thoải mái hơn.
4/ Hạn chế yếu tố gây xao nhãng khi làm việc
Theo Giáo sư tâm lý học Larry Rosen, trung bình cứ 6 phút một nhân viên lại kiểm tra thiết bị điện tử của mình, sau khi não bộ bị phân tâm, nó cần khoảng 20 phút để quay về trạng thái ban đầu. Vì vậy, hãy tắt tối đa các trang mạng xã hội, thiết bị điện tử không phục vụ cho công việc và để điện thoại của bạn ở chế độ im lặng, tránh xa bàn làm việc nhưng vẫn trong phạm vi có thể nghe được trường hợp có cuộc gọi gấp, tin nhắn khẩn cấp. Hãy lên thời gian biểu cho việc sử dụng mạng xã hội và check những tin nhắn “không gấp”, ví dụ vào các giờ giải lao, sau khi tan làm…
5/ Xác định khung giờ làm việc năng suất nhất
Mỗi người đều có thời điểm làm việc hiệu quả nhất trong ngày. Một số người làm việc tốt hơn vào buổi sáng, trong khi đối với số khác lại là sau giờ ăn trưa.
Do vậy, bạn cần xác định “khung giờ vàng” của chính mình, và đưa những công việc quan trọng cần xử lý vào thời điểm ấy. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất công việc. Những khoảng thời gian còn lại thì dành để làm những công việc mang tính chất thường nhật, và ít phần quan trọng hơn.
Một vài ngày làm việc có thể mang lại cho bạn nhiều niềm vui và hứng khởi, một vài ngày khác lại căng thẳng hơn. Vậy nên, đừng ép buộc bản thân luôn phải thể hiện tốt nhất. Hãy thử áp dụng 5 cách trên và bạn có thể sẽ ngạc nhiên về năng suất làm việc hiệu quả của mình.
Xem thêm: Multitasking và 5 cách cải thiện kỹ năng làm việc đa nhiệm
Xem thêm: Nghệ thuật nhảy việc
Xem thêm: Thao túng tâm lý nơi công sở
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!