Phong cách lãnh đạo là yếu tố vô cùng quan trọng dẫn đến sự hình thành và phát triển của một doanh nghiệp. Phong cách lãnh đạo đề cập đến các hành vi đặc trưng của nhà quản trị khi chỉ đạo, động viên, hướng dẫn và quản lý các nhóm người. Đây cũng chính là cách tiếp cận để người quản lý đề ra các phương án thực hiện các kế hoạch và tạo động lực cho nhân viên. Mặt khác, có thể lựa chọn một phong cách phù hợp nhất đối với từng trường hợp khác nhau, nhằm gia tăng hiệu suất công việc cũng như nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và tính cách của nhà quản trị, phong cách lãnh đạo được chia thành 4 loại phổ biến sau đây:
1/ Phong cách lãnh đạo chỉ đạo
Đây là phong cách lãnh đạo mà người lãnh đạo phải hướng dẫn nhân viên của mình để họ có thể hoàn thành công việc. Bên cạnh đó là luôn kiểm tra chặt chẽ các hoạt động của nhân viên và đưa ra mọi quyết định về công việc, định hướng phát triển của công ty. Tuy nhiên, họ ra lệnh, giao nhiệm vụ và công việc mà không hỏi ý kiến của nhân viên. Người lãnh đạo nắm toàn quyền và chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Vì vậy. phong cách lãnh đạo này đã trở nên kém hiệu quả, thậm chí gây phản cảm vì thế hệ trẻ ngày nay độc lập, sáng tạo, tự do, ít phục tùng hơn và không thể chấp nhận được sự kiểm soát cứng nhắc nên có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực.
2/ Phong cách lãnh đạo hỗ trợ
Với phong cách lãnh đạo này, người quản lý sẽ không phải chỉ đạo nhiều mà sẽ trên tinh thần là giúp đỡ, hỗ trợ nhân viên để họ hoàn thành công việc của mình. Như vậy sẽ tạo nên một không khí làm việc vô cùng thoải mái, mọi người cùng bàn luận, chia sẻ, góp ý thẳng thắn với nhau về một vấn đề nào đó và đi đến một quyết định thống nhất.
Phong cách này thích hợp khi nhân viên là người đã có chút kinh nghiệm, tuy nhiên, họ vẫn chưa tự tin về khả năng của mình khi giải quyết một công việc nào đó. Vì thế, cách tiếp cận này không có khả năng hiệu quả với những nhân viên giàu kinh nghiệm.
3/ Phong cách lãnh đạo tự do
Sở hữu phong cách lãnh đạo tự do là khi nhà quản trị ít sử dụng đến quyền lực để quản lý công việc cũng như nhân sự của mình. Họ sẽ cho phép nhân viên của mình có quyền tự đưa ra quyết định của họ nhưng phải tự chịu mọi trách nhiệm đối với quy định mà họ đưa ra.
Vì vậy, phong cách lãnh đạo này thì cần đòi hỏi nhân viên phải có năng lực, dám nghĩ dám làm và tầm nhìn xa trông rộng. Nếu không, cả nhóm sẽ rơi vào khủng hoảng hoặc bất đồng vì mâu thuẫn và không có một hướng đi cụ thể được thống nhất.
4/ Phong cách lãnh đạo dân chủ
Phong cách lãnh đạo dân chủ cho phép nhân viên tham gia đóng góp, xây dựng ý kiến trong các cuộc họp. Nhưng cuối cùng thì người lãnh đạo vẫn sẽ là người tổng hợp, phân tích ý kiến để có thể đưa ra được quyết định cuối cùng. Làm việc với phong cách này, nhà lãnh đạo sẽ kích thích sự hứng thú của mọi người để họ hưởng ứng và cùng xây dựng, đóng góp cho công ty, doanh nghiệp. Qua đó, cũng tạo được sự gắn kết giữa tất cả mọi người, phần nào giúp mọi người hiểu nhau nhiều hơn.
Tuy nhiên, có quá nhiều ý kiến như vậy sẽ làm cho nhà quản lý mất nhiều thời gian suy nghĩ nên không thể đưa ra kết quả cuối cùng một cách nhanh chóng và dứt khoát.
Bên cạnh việc hiểu rõ bản thân, nhà quản lý cần đánh giá năng lực của nhân viên chính xác để đưa ra sự lựa chọn phong cách phù hợp trong từng tình huống. Đối với bất kể nhà quản lý nào thì việc nắm vững và biết rõ bản thân sở hữu phong cách lãnh đạo nào sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Nếu một nhà quản trị không thể dung hòa được các tác phong lãnh đạo này sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Khi lựa chọn phong cách lãnh đạo nào, các nhà quản lý cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố cùng một lúc, chẳng hạn như thời gian cho phép, kiểu nhiệm vụ, mức độ áp lực công việc, trình độ nhân viên, mối quan hệ trong đội nhóm, ai là người nắm được thông tin…Một nhà lãnh đạo giỏi đòi hỏi phải kết hợp khéo léo giữa các phong cách, thay đổi cho từng giai đoạn để đạt được hiệu suất công việc cao nhất.
Xem thêm: Cách viết CV dành cho IT Fresher
Xem thêm: Kỹ năng tìm việc thời 4.0
Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp Phần 1
Đừng quên, Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!