Theo nhiều nghiên cứu, MBTI không chỉ hữu ích trong việc tìm hiểu và phát triển tính cách cá nhân mà còn trong lĩnh vực quản trị nhân sự. MBTI có thể giúp các nhà quản trị tìm được ánh sáng trong quy trình quản lý nguồn nhân lực, từ việc xác định nhân tố phù hợp với vị trí công việc đến tạo ra môi trường làm việc tích cực và hiệu suất cao.
Định nghĩa MBTI là gì?
Myers-Briggs Type Indicator (viết tắt là MBTI) là một phương pháp sử dụng bộ câu hỏi trắc nghiệm để phân loại tính cách của con người. Dựa trên thuyết tâm lý của Carl Jung, MBTI được phát triển bởi Katherine Cook Briggs và con gái bà, Isabel Briggs Myers, vào những năm 1940. Mục tiêu chính của phương pháp này là xác định và phân loại tính cách con người dựa trên các yếu tố chính.
Cụ thể, MBTI chia con người thành 16 loại tính cách khác nhau dựa trên bốn nhóm yếu tố chính:
1. Hướng Nội (Introversion) và Hướng Ngoại (Extraversion)
Yếu tố này giúp xác định cách bạn sử dụng năng lượng để tương tác với thế giới xung quanh. Người hướng nội tập trung vào bản thân và thường thích làm việc một mình, trong khi người hướng ngoại tìm kiếm tương tác xã hội và nạp năng lượng từ người khác.
2. Nhận thức bằng Quan Sát (Sensing) và Trực Giác (iNtuition )
Nhóm này đo lường cách bạn tiếp nhận thông tin. Người thuộc phân loại Quan Sát có xu hướng nhận thông tin tập trung vào chi tiết và thực tế, trong khi người trong nhóm Trực Giác quan tâm đến các khả năng, ý tưởng và ý nghĩa tiềm ẩn trong thông tin.
3. Ra quyết định dựa trên Lý Trí (Thinking) và Cảm Xúc (Feeling)
2 yếu tố này phân loại cách bạn ra quyết định và đánh giá thông tin. Người dựa vào logic và phân tích để ra quyết định thuộc nhóm (T), trong khi người dựa vào cảm xúc và cảm giác sẽ thuộc nhóm (F).
4. Lối sống Có Kế Hoạch (Judging) và Ứng Biến (Perceiving)
Yếu tố cuối cùng đánh giá cách bạn xử lý thông tin và lên kế hoạch trong cuộc sống. Người nhóm (J) thích tổ chức, lập kế hoạch cụ thể và có xu hướng theo một lịch trình cố định, trong khi người nhóm (P) thích sự linh hoạt và sẵn sàng ứng biến với tình huống.
Khi kết hợp cả bốn khía cạnh này, MBTI tạo ra 16 nhóm tính cách khác nhau, ví dụ như INTJ, ENFP, ISTP, ISFJ,…
Ứng dụng quan trọng của MBTI trong quản trị nhân sự
Xác định sự phù hợp trong công việc
Một trong những ứng dụng quan trọng của MBTI trong quản trị nhân sự là giúp xác định mức độ phù hợp giữa tính cách của ứng viên và yêu cầu công việc. Chẳng hạn, một người có tính cách hướng ngoại và thích thú với các khả năng sáng tạo có thể phù hợp với vai trò tiếp thị hoặc phát triển sản phẩm hơn những người có tính cách hướng nội, trong khi nhóm người có xu hướng tập trung vào chi tiết cụ thể có thể thích hợp với vai trò kiểm tra chất lượng hoặc kế toán.
Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng điều này để đánh giá ứng viên, có thể dẫn tới những định kiến vô thức trong tuyển dụng.
Xây dựng môi trường làm việc tích cực
Các nhà quản trị nhân sự có thể sử dụng MBTI để hiểu tính cách của từng nhân viên và tạo ra môi trường làm việc thích hợp. Ví dụ, những người có tính cách hướng ngoại có thể tận dụng các cuộc họp và tương tác xã hội, ngược lại nên tạo không gian và thời gian làm việc một mình cho những nhân viên có tính cách hướng nội để tập trung.
Đa dạng hóa đội ngũ
MBTI cũng giúp các nhà quản lý hiểu rõ và thấu hiểu được sự đa dạng trong tính cách của nhân viên. Một đội ngũ đa dạng về tính cách, lối sống có thể mang lại nhiều quan điểm và ý tưởng khác nhau, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và phát triển.
Xác định lộ trình phát triển nhân viên
MBTI có thể giúp lãnh đạo trong việc chọn lựa các chương trình đào tạo và phát triển dựa trên nhóm tính cách của từng nhân viên để giúp họ phát triển kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp.
Vai trò của mbti trong quá trình tuyển dụng
Nhận diện ưu điểm và hạn chế của ứng viên
MBTI có thể giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn chung về những ưu điểm và hạn chế phổ biến ở nhóm tính cách của ứng viên. Điều này giúp đánh giá sơ bộ xem người đó có phù hợp với vị trí công việc cụ thể hay không.
Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng để lọc CV đối với những nhóm tính cách thực sự khác biệt với yêu cầu công việc, còn lại nhà tuyển dụng nên có sự xác minh rõ ràng bằng kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình phỏng vấn.
Thiết lập câu hỏi phỏng vấn hiệu quả
Dựa trên những nhóm tính cách phù hợp với vị trí tuyển dụng, nhà tuyển dụng có thể thiết lập các câu hỏi phỏng vấn phù hợp để hiểu sâu hơn về người ứng tuyển và xác định xem họ có đáp ứng được yêu cầu của công việc về mặt tính cách hay không.
Xây dựng đội ngũ cân đối
Sử dụng MBTI trong quá trình tuyển dụng cũng có thể giúp đảm bảo rằng đội ngũ nhân sự của bạn có sự đa dạng về tính cách, từ đó giúp tăng cường sự sáng tạo và hiệu suất làm việc.
Mô hình MBTI không chỉ là một công cụ để phân loại tính cách cá nhân mà còn hỗ trợ mạnh mẽ trong quy trình quản trị nhân sự. Bằng cách sử dụng MBTI, các nhà quản trị có thể tối ưu hóa quá trình tuyển dụng, xây dựng môi trường làm việc tích cực, và phát triển đội ngũ hiệu quả hơn.
Xem thêm: Interpersonal skill là gì?
Xem thêm: 6 Dấu hiệu cho thấy bạn nên thay đổi nơi làm việc
Xem thêm: Stress-management – Kỹ năng quản lý căng thẳng nơi công sở
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!