Các nhà tuyển dụng thường phải dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá và chọn lựa ứng viên phù hợp. Tuy nhiên, không phải lúc nào các quyết định này cũng được đưa ra một cách công bằng và khách quan. Trong thực tế, chúng ta khó có thể tránh khỏi những định kiến vô thức (Unconscious bias) trong quá trình tuyển dụng. Điều này có thể ảnh hưởng không chỉ đối với các ứng viên mà còn đối với chính doanh nghiệp.
1. Định kiến là gì?
Định kiến (bias) là một quan điểm, một ý kiến tiêu cực hoặc thiên vị về một cá nhân, một nhóm người, một sự việc, hoặc một vấn đề nào đó. Nó hình thành trước khi con người bắt đầu nhận thức các dữ kiện liên quan và có sự hiểu biết chính xác, dẫn đến việc đánh giá hoặc đối xử không công bằng với người hoặc sự việc bị định kiến.
2. Một số định kiến phổ biến trong tuyển dụng hiện nay
Định kiến xác nhận (Confirmation bias): là khi nhà tuyển dụng có xu hướng cố tình tìm kiếm và hỏi xoáy những thông tin nhằm củng cố quan điểm, giả thuyết (tích cực lẫn tiêu cực) của mình về ứng viên. Họ sẽ vô thức bỏ qua hoặc không chú ý đến những thông tin mâu thuẫn với quan điểm đó. Điều này có thể gây ra các sai lầm trong suy nghĩ và đánh giá, khiến cho nhà tuyển dụng không có cái nhìn toàn diện và khách quan về một ứng viên.
Hiệu ứng Heuristic (Affect Heuristic): là lối đi tắt của tâm trí khiến nhà tuyển dụng dựa trên ký ức, kinh nghiệm đã có trước đó để lập tức nhận định hoặc đánh giá một ứng viên mà không cần quá nhiều thời gian phân tích thông tin. Từ đó dẫn đến các sai lầm hoặc đánh giá không chính xác.
Hiệu ứng hào quang (Halo Effect): xảy ra khi một đặc điểm nổi bật của ứng viên làm ảnh hưởng hoàn toàn đến đánh giá của nhà tuyển dụng về ứng viên đó. Điều này tạo ra sự thiên vị và ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của người tuyển dụng.
Thiên kiến tương đồng (Similarity Bias): là hiện tượng nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên những ứng viên có sự tương đồng với họ, thay vì đánh giá công bằng dựa trên sự khác biệt và sự đa dạng. Định kiến tương đồng có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng hóa và công bằng trong doanh nghiệp.
Thiên kiến về ngoại hình (Appearance Bias): là khi nhà tuyển dụng có sự thiên vị với các ứng viên sở hữu ngoại hình bắt mắt hơn. Điều này có thể khiến nhà tuyển dụng bỏ qua những ứng viên có năng lực và kỹ năng tốt nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn về ngoại hình, gây ra bất công trong quá trình tuyển dụng và tổn thương đến ứng viên.
Ngoài ra còn vô số những định kiến không thể kể hết như định kiến giới, định kiến về tuổi tác, định kiến về màu da, sắc tộc,…
3. Hệ quả của các định kiến vô thức trong quá trình tuyển dụng
Các định kiến vô thức trong quá trình tuyển dụng có thể có những hệ quả tiêu cực đối với doanh nghiệp:
- Bỏ lỡ những nhân viên có tiềm năng và kỹ năng phù hợp với vị trí, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của doanh nghiệp.
- Thiếu sự đa dạng trong đội ngũ nhân viên, tạo ra môi trường làm việc không hòa đồng và không đa dạng. Từ đó ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc và sự sáng tạo của nhân viên.
- Quá trình tuyển dụng không công bằng có thể khiến nhân viên mất lòng tin và thiếu hứng thú, động lực trong công việc.
- Cuối cùng, định kiến vô thức trong quá trình tuyển dụng cũng có thể gây ra hậu quả pháp lý cho doanh nghiệp như vi phạm các quy định về đối xử công bằng trong luật lao động, vi phạm quyền bình đẳng cơ hội,…
Việc đánh giá ứng viên dựa trên năng lực và kỹ năng thực tế, chứ không dựa trên những tiêu chí không công bằng như tuổi tác, giới tính hay nguồn gốc sẽ tạo ra một môi trường công bằng và đa dạng. Nó không chỉ mang lại lợi ích cho ứng viên, mà còn giúp các doanh nghiệp phát triển sự sáng tạo và tăng cường hiệu suất làm việc.
Xem thêm: Mô hình Kanban – Tối ưu hóa quy trình quản lý công việc
Xem thêm: Top những điều khiến nhân viên mất động lực
Xem thêm: Cách nhận biết Sếp “tồi” ngay trong buổi phỏng vấn
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!