Trong tình hình hội nhập ngày nay, làm việc nhóm là một thành phần quan trọng trong công việc. Tuy nhiên, một vấn đề có lẽ ai cũng đã từng gặp phải và vẫn đang diễn ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của nhóm, đó là Social Loafing.
Social Loafing là gì?
Social Loafing (Tính lười biếng xã hội) là hiện tượng mà các cá nhân trong một nhóm có xu hướng đóng góp ít hơn so với khi làm việc độc lập. Khi tham gia vào một nhiệm vụ chung, những người có tâm lý Social Loafing thường cảm thấy đóng góp của họ không quan trọng và sẽ không có tác động đáng kể đến thành quả cuối cùng hoặc họ luôn cho rằng những người khác sẽ làm việc thay cho họ. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến khi nhóm có kích thước lớn và không có sự phân chia rõ ràng về trách nhiệm.
Nguyên nhân dẫn đến Social Loafing
Có một số nguyên nhân chính góp phần tạo nên hiện tượng Social Loafing trong môi trường làm việc:
- Anonymity (Tình trạng ẩn danh): Khi các thành viên trong nhóm không được xác định rõ về vị trí hoặc không có sự theo dõi chặt chẽ về sự đóng góp của từng cá nhân, họ sẽ cảm thấy có thể dễ dàng trốn tránh trách nhiệm cá nhân trong quá trình làm việc nhóm. Điều này còn làm giảm sự tin cậy, tương tác và khả năng hợp tác giữa các thành viên trong nhóm.
- Kích thước nhóm: Nhóm có số lượng thành viên quá lớn có thể làm mất đi sự cá nhân hóa, những đóng góp nhỏ có thể dễ dàng bị lãng quên, một số thành viên luôn nghĩ rằng người khác sẽ thực hiện hiệu quả hơn và họ không cần phải đóng góp nhiều. Điều này làm giảm động lực của các cá nhân trong việc đóng góp, tạo ra sự phụ thuộc vào người khác và làm giảm sự cống hiến của mỗi cá nhân.
- Mục tiêu không rõ ràng: Khi mục tiêu công việc không được xác định rõ ràng, các thành viên trong nhóm có thể cảm thấy không biết mình đang làm gì, không có động lực cống hiến, không thấy được giá trị của công việc, không có tiêu chí rõ ràng để đánh giá thành tựu.
- Cảm giác công bằng: Nếu có thành viên cảm thấy công việc không được phân chia hợp lý, họ có thể cảm thấy không công bằng khi phải làm việc chăm chỉ hơn người khác. Điều này làm mất đi động lực đóng góp vào công việc chung, vì họ cảm thấy công việc của mình không được đánh giá đúng mức.
Cách giảm thiểu hiện tượng Social Loafing
Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của Social Loafing đến hiệu suất của nhóm, chúng ta có những cách hiệu quả sau:
1. Xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên
Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân trong nhóm sẽ giúp tăng cường tinh thần trách nhiệm trong việc đóng góp. Mỗi thành viên sẽ nắm được nhiệm vụ và phạm vi công việc của mình.
2. Đặt mục tiêu cụ thể và quan trọng
Thiết lập mục tiêu rõ ràng và đo lường được sẽ cung cấp những kỳ vọng cụ thể về của công việc và đảm bảo mọi người đều thấy được sự quan trọng của công việc đó.
3. Tạo không gian làm việc tích cực
Xây dựng một môi trường làm việc năng động, hỗ trợ và động viên lẫn nhau để tạo ra cảm giác tích cực và động lực cho mỗi thành viên trong nhóm.
4. Đánh giá hiệu suất cá nhân
Đánh giá phần trăm đóng góp của mỗi cá nhân một cách công bằng và tuyên dương công lao của từng thành viên sẽ giúp làm giảm sự thụ động và khích lệ mọi người tiếp tục cống hiến hết mình.
Hiện tượng Social Loafing đã và đang là một thách thức lớn đối với hính thức làm việc nhóm. Vì vậy, mỗi thành viên đều nên tự nhìn nhận và thay đổi để tạo ra môi trường làm việc tích cực, nơi mà mỗi cá nhân trong nhóm cảm thấy được đánh giá cao và có ý nghĩa trong việc đóng góp vào thành công chung.
Xem thêm: Interpersonal skill là gì?
Xem thêm: 6 Dấu hiệu cho thấy bạn nên thay đổi nơi làm việc
Xem thêm: Stress-management – Kỹ năng quản lý căng thẳng nơi công sở
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!