Có nhiều yếu tố khác nhau để thúc đẩy động lực làm việc của nhân viên. Và những nguyên nhân khiến họ mất động lực cũng nhiều không kém như văn hóa, đời sống, môi trường làm việc,…Điều quan trọng là phải nhận biết sớm các dấu hiệu về tình trạng mất động lực của nhân viên và nhanh chóng giải quyết để cải thiện sự hài lòng của nhân viên và giữ chân nhân tài.
- Đánh giá thấp nhân viên
Nếu một nhân viên cảm thấy rằng những nỗ lực của họ không được công nhận hoặc đánh giá cao, điều này làm giảm đáng kể lòng tự trọng của nhân viên và họ sẽ sớm bắt đầu mất động lực theo thời gian. Hãy dành cho nhân viên những lời khen ngợi mà họ xứng đáng được nhận. Hãy làm nổi bật khía cạnh mà họ được đánh giá cao và chỉ đưa ra các góp ý mang tính xây dựng.
- Mục tiêu phi thực tế
Đừng đặt ra các tiêu chuẩn quá cao. Đặt ra các mục tiêu phi thực tế không khiến nhân viên làm việc chăm chỉ hơn mà thay vào đó, khi nhận ra mục tiêu không thể đạt được, họ sẽ từ bỏ việc cố gắng và năng suất sẽ tuột dốc không phanh. Ngược lại, nếu bạn đề ra các mục tiêu rõ ràng và khả thi, nhân viên sẽ biết họ phải làm những gì để đạt được điều đó và họ sẽ cảm thấy được đối xử một cách tôn trọng.
- Không tìm thấy cơ hội phát triển
Tạo cơ hội đào tạo và phát triển thường xuyên cho nhân viên có thể giúp thúc đẩy động lực và sự gắn kết của họ. Nếu một nơi làm việc làm nhân viên có cảm giác trì trệ, không tiến bộ và không có cơ hội phát triển – động lực của nhân viên sẽ giảm dần.
- Trả lương không xứng đáng
Nhân viên sẽ mất động lực làm việc nếu như chính sách trả thưởng không xứng đáng với năng lực, thành tựu họ mang lại cho công ty. Người có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng mềm, hiệu suất và kết quả công việc tốt hơn thì lương của họ nên được xem xét cao hơn để xứng đáng với những gì nhân viên cống hiến cho doanh nghiệp.
- Khả năng lãnh đạo của người quản lý kém
Lãnh đạo hiệu quả là một yếu tố thiết yếu để tạo động lực cho nhân viên. Nếu khả năng lãnh đạo của người dẫn đầu yếu kém, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng của nhóm – một số nhân viên có thể bắt đầu cảm thấy mất tinh thần.
- Thường xuyên thay đổi kế hoạch bất ngờ
Kế hoạch nào cũng sẽ có những rủi ro khiến kế hoạch bị thay đổi một cách bất ngờ, nhưng thay đổi vì lý do chính đáng sẽ khác với lý do chỉ vì sếp muốn đổi ý sau khi họ đã thực hiện một nửa chặng đường. Điều này diễn ra thường xuyên sẽ làm nhân viên mất đi động lực làm việc và họ sẽ không còn cố gắng hết sức vì nghĩ “kế hoạch rồi cũng bị thay đổi thôi”.
- So sánh và thiên vị nhân viên
So sánh nhân viên với nhau là không công bằng và thường sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đồng nghiệp, khiến họ khó chịu và thất vọng. Thể hiện rõ sự thiên vị khi chỉ phản hồi cho một vài nhân viên nhất định hoặc thường xuyên khen thưởng một cá nhân cũng sẽ tạo ra sự bức xúc ở các thành viên khác. Không chỉ vậy, những điều này sẽ còn tạo ra những nhân viên không có trách nhiệm và không quan tâm đến công việc.
Điều quan trọng là bạn cần thực sự lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của nhân viên để đảm bảo mức độ gắn kết trong toàn tổ chức. Cố gắng tránh mắc những sai lầm trên để đảm bảo rằng mọi người trong nhóm của bạn đều hài lòng với môi trường làm việc của họ.
Xem thêm: Mô hình Kanban – Tối ưu hóa quy trình quản lý công việc
Xem thêm: Mono-tasking: Phương pháp làm việc đối lập với Multi-tasking
Xem thêm: Hustle Culture – Văn hóa hối hả khó lường của giới trẻ
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!