Khi nghĩ đến việc chủ động đề xuất tăng lương với cấp trên, không ít người cảm thấy e ngại hoặc bối rối. Tuy nhiên, việc chủ động xin tăng lương là cách để bạn có cơ hội nhận được mức lương mà mình xứng đáng sau một thời gian làm việc. 10 tips sau sẽ có thể giúp bạn có thêm cơ hội thành công khi đề xuất tăng lương.
1/ Khảo sát mức lương của vị trí đang đảm nhiệm
Bạn cần biết mức lương phổ biến của vị trí mình đang đảm nhiệm trên thị trường lao động đang ở mức bao nhiêu sau đó so sánh với mức lương hiện tại và mức lương bạn mong muốn. Hãy nghiên cứu, cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra mức lương mong muốn, bởi mức lương hợp lý sẽ giúp bạn dễ được thông qua hơn.
2/ Đưa ra đánh giá chính xác hiệu quả công việc của bản thân
Trước khi gặp sếp để đề nghị tăng lương, bạn nên thu thập những tài liệu đánh giá chính xác hiệu quả công việc của bạn trong thời gian qua để chứng minh bản thân xứng đáng với mức lương đề xuất. Hãy liệt kê càng cụ thể càng tốt ví dụ như KPI, review của khách hàng,…và trình bày nó một cách có khoa học, có tổ chức.
3/ Thu thập “feedback” về quá trình làm việc của bạn
Nếu bạn đã từng làm việc với một vài người quản lý hoặc cộng tác với những quản lý của nhóm khác hoặc các bên liên quan cấp cao, hãy tận dụng cơ hội đó để thu thập phản hồi về hiệu quả công việc của bạn từ họ.
4/ Lựa chọn thời điểm phù hợp nhất
Thời điểm đề xuất tăng lương là yếu tố cần cân nhắc đầu tiên khi bạn gửi đơn, ví dụ như không nên đề xuất tăng lương giữa lúc công ty đang gặp khó khăn về tài chính mà hãy lựa những lúc công ty kinh doanh có lời hay bạn vừa có thành tích nổi bật.
5/ Xây dựng các mối quan hệ tốt trong công ty
Dựa vào các mối quan hệ trong công ty, bạn sẽ biết các dịp dự kiến tăng lương của công ty, thậm chí họ sẽ đưa ra những lời nhận xét tốt về bạn khi sếp cần tham khảo. Đôi khi những lời nhận xét từ các bộ phận khác góp phần làm tăng khả năng được tăng lương của bạn rất nhiều.
6/ Đừng dùng những lý do cá nhân
Những lý do như “vợ/chồng vừa mất việc”, “con ốm”, “sắp cưới”,…không nên dùng để xin tăng lương. Không doanh nghiệp nào tăng lương cho bạn vì những lý do này trừ khi bạn đã làm việc xứng đáng với mức lương đó.
7/ Tuyệt đối không so sánh lương với đồng nghiệp
Tuyệt đối không so sánh với mức lương của các đồng nghiệp để làm lý do tăng lương cho mình. Ngay cả khi bạn biết ai đó được trả cao hơn mình và bạn nghĩ rằng mình xứng đáng thì cũng nên giữ kín những thông tin tế nhị đó. Điều này sẽ làm cho cấp trên có cái nhìn không tốt về bạn.
8/ Diễn tập trước những điều bạn sẽ nói
Tập nói trước gương để đảm bảo rằng vào buổi gặp mặt bạn sẽ trình bày bằng thái độ tự tin và thuyết phục nhất có thể. Hãy lập ra danh sách những điều cần nói để tránh thiếu sót khi trở nên căng thẳng.
9/ Thông báo trước với sếp về buổi gặp mặt
Hãy gửi email yêu cầu một buổi gặp mặt với sếp một rõ ràng và ngắn gọn. Sử dụng giọng văn chuyên nghiệp và cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về mục đích của cuộc hẹn, bao gồm các chủ đề bạn muốn thảo luận và bất kỳ thông tin hoặc tài liệu hỗ trợ nào có thể liên quan.
10/ Ăn mặc chỉn chu
Cuối cùng, hãy dành vài phút để thắt lại cà-vạt, là áo thẳng nếp, quần áo chỉn chu trước khi bước vào cuộc gặp mặt với sếp. Điều này giúp bạn trông chuyên nghiệp và thể hiện sự tôn trọng với đối phương.
Đề nghị tăng lương khi bạn có tiến bộ trong chuyên môn và hiệu suất làm việc cao là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên qua thỏa thuận về lương bổng.
Source: https://www.michaelpage.com.vn/advice/career-advice/salary-and-negotiation/how-ask-pay-rise-%E2%80%93-10-effective-tips
Xem thêm: Mô hình Kanban – Tối ưu hóa quy trình quản lý công việc
Xem thêm: Mono-tasking: Phương pháp làm việc đối lập với Multi-tasking
Xem thêm: Hustle Culture – Văn hóa hối hả khó lường của giới trẻ
Follow Fanpage của Metajobs ngay để không bỏ lỡ nhiều vị trí tuyển dụng cũng như tin tức về ngành nghề của bạn ngay!